Chuyện xem bóng đá của các bác thương binh: Đáng trách nhưng cũng đáng thương, đáng mừng!
BongRovn.orgCó một câu chuyện đang gây xôn xao trong hai ngày gần đây, đó là việc các bác thương binh tìm đến trụ sở của VFF để đòi mua vé.
Sáng ngày 10/12 vừa qua, một sự việc bất ngờ đã xảy ra tại trụ sở của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Rất nhiều các bác cựu chiến binh đã tìm đến đây, tập trung, đòi mua vé xem bóng đá. Lực lượng an ninh dù đã cố gắng, nhưng vẫn không thể ngăn cản. Có bác còn lái hẳn một chiếc xe ba bánh vào thẳng sảnh lớn, hoặc tụ tập ăn uống, xả rác ngay trong trụ sở.

Tình yêu bóng đá của các cựu chiến binh thật mãnh liệt, và cũng thật... đáng lo.
Những hành động này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của VFF. Quan trọng hơn, thông qua báo đài và cơ quan truyền thông, các bác đã để lại một hình ảnh trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, bởi trong tiềm thức của người dân Việt Nam, các bác thương binh, cựu chiến binh đã chiến đấu vì nền hòa bình của dân tộc và hình tượng về họ luôn rất đẹp. Hơn nữa, dịp kỉ niệm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam cũng đang đến rất gần.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng có thể dễ dàng thông cảm cho các bác. Trận chung kết lượt về sắp tới, VFF tổ chức bán vé online. Đây là một hình thức hoàn toàn mới và Liên đoàn bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể có phương án tốt nhất.

Muốn sở hữu được những tấm vé AFF Cup, NHM phải nhanh tay và... may mắn.
Với những người đã quen với việc này đã khó, và với các bác tuổi già, không thể bắt kịp xu hướng công nghệ mới, điều này càng trở nên khó hơn, cũng giống như cuộc cạnh tranh giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ vậy. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, tại sao các bác không nhờ con cháu của mình đặt mua hộ, nhưng nên nhớ rằng lượng cầu đã vượt gấp nhiều lần lượng cung và thật khó để họ có thể tìm được một tấm vé.
Một câu hỏi khác là tại sao các bác không ở nhà, tập trung lại để coi bóng đá cùng với đồng đội năm xưa, các thành viên hội cựu chiến binh. Song, bóng đá đã là tình yêu của họ, vậy thì làm sao mà có thể ngăn cản họ cố gắng tìm kiếm cơ hội được xem trực tiếp, nhất là ở sự kiện mà mười năm rồi mới xuất hiện một lần.
Vậy nên, với những gì đã diễn ra trong hai ngày vừa qua, nhiều người, trong đó có các cầu thủ, cũng như quan chức VFF nên cảm thấy rất mừng. Các bác thương binh đã theo dõi bóng đá Việt Nam từ lâu rồi, có người cũng đã gần đi hết cuộc đời, nhưng tình yêu của họ với màu áo đội tuyển trong suốt nhiều thập kỉ qua vẫn rất nồng nàn.

Những chiếc vé khan hiếm chứng tỏ sự quan tâm, tình yêu của khán giả với ĐTQG là rất lớn.
Trong hơn hai mươi năm, bóng đá Việt Nam đã có nhiều thay đổi, không phải lúc nào những người yêu mến đội tuyển cũng được tận hưởng niềm vui. Những giọt nước mắt cay đắng, những thời điểm niềm tin bị rạn vỡ vì các cầu thủ mà họ yêu quý dính vào việc dàn xếp tỉ số, nhưng tình yêu của họ vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu, vẫn luôn hi vọng vào một tương lai tươi sáng.
Bây giờ, khi ngày vui mà họ chờ đợi từ lâu đã đến, làm sao các bác có thể dễ dàng từ bỏ cơ hội được tận hưởng điều ấy. Khi biết được thông tin này, có thể ban đầu các quan chức của VFF cảm thấy khó xử, nhưng bây giờ, họ nên cảm thấy vui hơn, lấy tình yêu của các bác để làm động lực đưa bóng đá Việt Nam tiếp tục phát triển.

2 trận chung kết với Malaysia sẽ là cơ hội để thầy trò HLV Park đáp lại tình cảm của NHM.
Sau tất cả, có thể thấy tình yêu bóng đá của các bác thương binh thật đẹp, chứ không phải trào lưu, ăn theo khi đội tuyển đang gặt hái không ít thành công ở hiện tại. Chính tình cảm ấy đã thôi thúc các bác làm như vậy, mặc dù có thể với nhiều người thì việc mà các bác đã làm rất không đẹp. Qua câu chuyện này, VFF cũng nên tính toán hợp lí hơn, để tránh những sự cố đáng tiếc như vậy xảy ra thêm một lần nữa.
(Bạn đọc: Faro)